Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Làm thực phẩm sạch khó trăm bề

Trong làn sóng khởi nghiệp gần đây, lĩnh vực thực phẩm sạch được nhiều người quan tâm do nhu cầu thị trường lớn

Nhiều người vốn là “tay ngang”, xuất phát từ nhu cầu làm thực phẩm gia đình nhưng có khả năng mở rộng quy mô đã coi đây là cơ hội để làm giàu.
Làn sóng mới
“Tôi có 1 ha đất bỏ không, giờ trồng gì thì bán được?”. “Tôi muốn làm rau thủy canh thì cần bao nhiêu vốn, thị trường ở đâu?”. “Mình có một trang trại gà ta, trước giờ toàn bán cho thương lái, nay muốn bán lẻ phải làm sao?”… Đó là những câu hỏi phổ biến tại nhiều diễn đàn cũng như các hội nghị về nông sản sạch tổ chức gần đây. Không chỉ vậy, trong những cuộc cà phê với bạn bè, nhiều người cũng có thể nghe được những câu chuyện như “mình sắp bán trái cây sạch, mọi người nhớ ủng hộ”…
Thế nhưng, anh Trần Văn Hùng - chủ một cửa hàng thực phẩm sạch ở quận 1, TP HCM - cho biết có làm thực tế mới thấy khó vô cùng. Nhiều loại trước khi trồng, khảo sát cho thấy nhu cầu rất lớn nhưng lúc thu hoạch thì việc tiêu thụ không như kỳ vọng.
Thực phẩm sạch có giá thành cao nên cần sự tiếp sức của người tiêu dùng để phát triển, hạ giá thành
Thực phẩm sạch có giá thành cao nên cần sự tiếp sức của người tiêu dùng để phát triển, hạ giá thành
“Đặc biệt, nhóm các sản phẩm thịt không hóa chất gặp khó ngay từ khâu chăn nuôi vì bệnh dịch nhiều, nếu không dùng kháng sinh thì rất dễ mất trắng cả đàn. Đến khâu giết mổ phải đưa đến lò đạt chuẩn ở xa, trong khi số lượng cung cấp nhỏ nên chi phí cao. Ngoài ra, thủ tục thú y phức tạp, phải mất nhiều tháng sản phẩm ra thị trường mới được xem là hợp pháp khiến nhiều người nản lòng” - anh Hùng dẫn chứng.
Theo ông Mai Quốc Thái, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại TP HCM, muốn đầu tư vào nông nghiệp cần 4 yếu tố chính: đất, vốn, kỹ thuật và thị trường. Nếu chưa đủ 4 yếu tố này mà lao vào làm sẽ cầm chắc thất bại.
TS Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM (AHTP), cho biết qua nhiều năm theo dõi hoạt động ươm tạo doanh nghiệp (DN) công nghệ thì thời gian gần đây, lĩnh vực nông nghiệp có nhiều tín hiệu đáng mừng. Thực phẩm vốn là nhu cầu thiết yếu của con người nên thị trường luôn rộng mở. Đời sống càng phát triển thì yêu cầu về thực phẩm ngày càng cao.
“Thực tế, thị trường đang đòi hỏi một nền nông nghiệp có thể nói nôm na là xanh - sạch - đẹp và có lợi về mặt kinh tế. Tuy cách thức sản xuất nông nghiệp có thay đổi nhưng so với những lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ thì giá trị gia tăng không bằng. Người ta vẫn nói nông sản thực phẩm là “sáng rau, chiều rác” nên không thể đòi hỏi lợi nhuận cao” - ông Hiệp nhận xét.
Nên “làm từ từ”
Việc tiêu thụ nông sản sạch hiện gặp “điểm nghẽn” giữa sản xuất và thị trường do thiếu kênh phân phối riêng. Tình trạng sản xuất sạch nhưng phải bán như hàng chợ và bị trộn lẫn hàng sạch - bẩn khiến người tiêu dùng càng khó lựa chọn.
Đại diện Công ty TNHH Trang trại 3A (Bình Dương), chuyên nhóm hàng đặc sản (gà ri, tổ yến…) cho biết làm thực phẩm sạch không khó, cái khó là bán ở đâu. Nhiều DN khởi nghiệp nông nghiệp có quy mô nhỏ, thiếu vốn nên không thể kiêm luôn khâu phân phối. Vì vậy, rất cần những đơn vị kết nối các nhà sản xuất và nơi chuyên doanh thực phẩm sạch để cùng hỗ trợ nhau phát triển.
Theo thạc sĩ Vũ Tuấn Anh, Trưởng Dự án Khởi nghiệp Cộng đồng (Hoa Sen Group), những người muốn làm thực phẩm sạch không nên tiến hành một mình mà cần hình thành những nhóm hợp tác để tăng sức mạnh. Còn ông Lê Hiếu Hữu, cố vấn marketing Công ty CP Hóa chất Nông Việt, cho rằng bạn trẻ khi khởi nghiệp nên tìm cho mình thị trường ngách, ít cạnh tranh để bắt đầu. Với thực phẩm sạch thì nên “làm từ từ” để kiểm soát về chất lượng cũng như quản trị.
Đồng tình với ý kiến này, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Vua Vi Sinh (Cần Thơ) - chuyên về gạo sạch, khuyên những ai mới bắt đầu vào lĩnh vực này nên làm từng bước, không nôn nóng. Bây giờ là thời của thực phẩm hữu cơ nhưng để làm được thì khó vô cùng, nhiều người đầu tư đến khi gần lấy được chứng nhận thì hết vốn, không thể phát triển tiếp. Các chuyên gia đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản chỉ chúng ta cách làm nông nghiệp hữu cơ nhưng thực tế tỉ lệ nông sản hữu cơ của họ cũng rất thấp.
“Theo quan điểm của tôi thì nên bắt đầu từ việc dùng hóa chất có kiểm soát (các tiêu chuẩn GAP) rồi hạn chế dần, sau đó là canh tác sinh học, cần phải có thời gian để đất đai đủ tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ thật sự. Trong tương lai không xa, giá thành nông sản sạch theo tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ sẽ không còn cao do không tốn chi phí vật tư đầu vào từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà Việt Nam vốn phụ thuộc vào nhập khẩu” - ông Cung kỳ vọng.
Nguồn: Ngọc Ánh, Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét